Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Thi Bệnh Trong Thơ Đường Luật, phần 1/2.


Bệnh và Lỗi (Thi Bệnh) Trong Thơ Đường Luật phần 1/2.

Trong tác phẩm Việt Nam Văn Học Sử Yếu; ở chương 13, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam - Dương Quảng Hàm (1898-1946) đã viết:
“ … Thơ Nôm của ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng Ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng bằng tiếng trắc). nên thi pháp của Ta tức là vận dụng thi pháp của Tàu và các niêm luật của thơ Ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả.
Trong lối thơ Đường luật, luôn có năm điều này phải xét:
· Vần
· Đối ngẫu
· Thanh (luật bằng-trắc)
· Niêm
· Bố cục …” (trích Việt Nam Văn Học Sử Yếu - 1941).
Chỉ với 5 qui tắc ấy, thơ Đường Luật cũng đã khiến cho bao người làm thơ rất khó khăn khi làm được một bài mà không phạm vào 5 qui tắc này.
Nhưng tựu trung vẫn không thấy nhắc đến 8 bệnh và 12 lỗi như chúng ta lâu nay vẫn thường hay áp dụng. Vậy liệu rằng; cái khoản bệnh lỗi ấy là có thực không, hay là sau này người ta đặt để thêm vào ?
Vậy thì liệu có chăng vấn đề Thi Bệnh (8 bệnh 12 lỗi) ?

I. Thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh của Thẩm Ước và của Đường Luật:
Một sự thật phải thừa nhận rằng: thể thơ Đường Luật là một thể thơ gây nhiều khó khăn nhất cho người tập làm thơ.
Chính vì thế để giúp cho người làm thơ khỏi lạc đường và đến đích mau chóng, các học giả Trung Hoa ngày trước đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận hay là sách Vận thư.
Ðời Tùy có sách Thiết Vận.
Đời Ðường có sách Ðường vận, Quảng Vận.
Đời Tống theo những bộ sách đời trước, soạn ra bộ Lễ Bộ Vận Lược, được Triều đình dùng làm chữ an tắc cho thi vận trong việc khảo thí.
Các đời sau cũng theo gương đời Tống, soạn ra những sách Quan vận mới.
Nhà Nguyên có sách Trung Nguyên Âm Vận.
Nhà Thanh có sách Bội Văn Vận Phủ.
Trung Hoa dân quốc có Trung Hoa Tân Vận ...
Sách Trung Hoa Tân Vận chưa được đem ra áp dụng . Vẫn thông dụng nhất là Bội Văn Vận Phủ (Nhà Thanh).

Nước Việt Nam chúng ta chưa có sách Quan vận. Cho nên các cụ ngày xưa đều hay dùng theo sách Trung Hoa, ngay cả khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Sau này mãi cho đến cuối thập niên 30 đầu 40 của thế kỷ 20 trở lại đây (khi mà hệ thống Quốc ngữ của Việt Nam ta từ hệ Tượng hình - Chữ nôm đã thực sự chuyển hẳn sang hệ Tượng thanh - Latinh), vấn đề Thi Bệnh mới thấy các nhà Thơ Việt Nam quan tâm đem ra Luận bàn sôi nổi và bắt đầu Vận dụng một cách triệt để. Trong đó, đáng chú ý nhất là quan điểm nổi bật của nhà thơ Quách Tấn (1910-1992). Và chính vì vậy chúng ta sau này do không hiểu cái Mấu chốt nhạy cảm này nên đã hay thắc mắc tại sao các bậc Tiền bối học cao hiểu rộng như Nguyễn Khuyến, Bà Huyện Thanh Quan ... các tác phẩm của Họ đều bị mắc lỗi bệnh.

Như thế; Thi Bệnh là gì?
Theo như cách nghĩ của các Thi gia từ xưa: Ngoài 5 quy tắc (Vần, Đối, Luật, Niêm, Bố cục) thì Thi Bệnh là những khuyết điểm không đáng có mà người làm thơ vô tình phạm phải, điều này sẽ khiến cho bài thơ khi xướng lên nghe hụt hẫng, khập khiễng hay ngang ngang rất khó chịu. ắt rằng sẽ làm bài thơ trở nên kém hay.
Nói đến thi bệnh phải kể đến người đầu tiên đề xướng ra vấn đề này, chính là Thẩm Ước (441-513) sống vào thời Nam-Bắc Triều (420-589), trước đời Nhà Tùy (Trung Hoa).
Ông đã đề xướng thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh áp dụng cho các thể thơ Cổ Phong (là những thể thơ có trước Thơ Đường Luật - Cận Phong).
Ông là người có công đã phát hiện ra, quy nạp các bệnh ấy thành 1 hệ thống và đặt cho mỗi bệnh 1 cái tên gọi chính thức.
Sau khi ông Thẩm Ước đề xướng thuyết lên Tứ Thanh Bát Bệnh, được các Tao nhân Mặc sĩ khắp nơi hưởng ứng rầm rộ và đem áp dụng vào thể thơ Ngũ ngôn Cổ phong.
Về sau này (hơn cả trăm năm) cũng do chính các Thi nhân thời Sơ Đường đã dùng Danh-Định (tên gọi và một số quy tắc chế định) của Tứ Thanh Bát Bệnh ấy để bổ sung và dần dần hoàn thiện: Luật Bằng Trắc và Niêm trong Đường Luật Thi (cận phong).
Đó chính là các quy tắc Đường Luật hoàn chỉnh mà ngày nay chúng ta đã và đang sử dụng.

A. Thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh của Thẩm Ước:
Tứ Thanh Bát Bệnh có nghĩa là 8 bệnh được quy kết lại thành 4 loại thanh,
Nếu như phạm phải thì khi đọc hay ngâm nga bài thơ lên sẽ có tiết tấu nghe không được nhịp nhàng, uyển chuyển và khúc chiết cho lắm.
Điểm đáng chú ý nhất là tất cả các bệnh cũng chỉ xoay quanh về vấn đề trùng lắp (điệp) và đào sâu vào 3 điểm chính;
· Thanh (luật bằng-trắc)
· Niêm
· Vận
(Vì cả 3 quy tắc này trong Cổ Phong hay Đường Luật đều liên quan đến Thanh âm).

Và Thẩm Ước đã hệ thống và quy kết như sau:
Trong mỗi Thanh thường có hai Bệnh (dùng trong Ngũ Ngôn Cổ Thể):
· Bình Đầu - Thượng Vỹ thuộc Tiền, Hậu Tung Thanh (các nhóm chữ đầu và cuối của nhiều câu liền kề; tính theo lối dọc).
· Phong Yêu – Hạc Tất thuộc Đệ Nhất Hoành Thánh.
· Chánh Nữu - Bàng Nữu thuộc Đệ Nhị Hoành Thanh.
· Tiểu Vận - Đại Vận thuộc Đệ Tam Hoành Thanh.

Tứ thanh Bát bệnh của Thẩm Ước cụ thể như sau:

1. Bình Đầu:
坪 Bình là Ngang bằng
头 Đầu : là Ban đầu. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là Đầu câu.
Bình Đầu là hai chữ đầu câu của hai câu liền kề bị trùng thanh.
Nếu hai chữ đầu của câu trên trùng thanh độ (trùng dấu) với hai chữ đầu câu dưới thì phạm lỗi.
Ví dụ:
* Rường mây thẫm màu xa
Đào phai khoe sắc hoa

2. Thượng Vỹ:
尚 Thượng: Vượt quá
尾 Vỹ: là cái Đuôi,
Thượng vỹ được hiểu là vếch đuôi cao lên.
Nếu Bình đầu tính lỗi ở hai chữ đầu, thì thượng vỹ tính lỗi ở hai chữ cuối của câu không được trùng thanh độ. Đặc biệt là chữ thứ 5 cuối cùng của câu thơ ngũ ngôn.
Ví dụ:
* Cửa ải bóng cờ bay
Gió đưa lẫn cùng mây

3. Phong Yêu:
蜂 : Phong: là con Ong
腰 : Yêu: là cái Eo, chổ thắt lại.
Do hai đầu phình ra, ở giữa thắt lại như eo con ong nên gọi là Phong Yêu.
Cho nên chữ thứ 2 và chữ thứ 5 không được trùng thanh độ (dấu thanh).
Ví dụ:
* Chiều thu lá vàng bay
Mặt biển màu xanh thẳm

4. Hạc Tất:
鶴 : Hạc : là chim hạc.
膝 : Tất: là đầu gối (chổ gù lên).
Do hai đầu nhỏ, mà ở giữa phình ra như đầu gối chân chim Hạc nên gọi là Hạc Tất.
Cho nên chữ thứ 5 của 2 trong 3 câu liền kề không được trùng thanh độ.
Ví dụ:
* Hoa gạo rơi lã chã
Mưa xuân lất phất bay
Hai đứa mình đôi ngã
Biệt ly kể từ đây

5. Chánh Nữu:
正 : Chánh (chính) Trong thuật ngữ thơ Chánh được hiểu là ngay ở nơi này (trong câu).
狃 Nữu : Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp
Chánh nữu là lỗi trùng lấp âm căn ở trong cùng một câu (trong giới hạn của 5 chữ).
Ví dụ:
* Tiếng rao trong mưa rào

6. Bàng Nữu:
旁 Bàng : Bên cạnh, liền kề. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là câu liền kề.
狃 Nữu : Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp
Trong giới hạn 10 chữ của 2 câu liền kề không được dùng những chữ có cùng một nữu.
Ví dụ:
* Nhành hoa xoan la đà
Thơm đã vương đầu ngõ

7. Tiểu Vận:
小 Tiểu: là Nhỏ (được hiểu là ít hơn)
韵 Vận: là vần
Thơ Ngũ ngôn cổ thể thường được gieo vần ở câu chẵn, cho nên chữ thứ 10 của hai câu lẻ chẵn liền kề được gọi là vận.
Dù không trùng khuôn vần với vận, thì 9 chữ đứng trước vận, cũng không được dùng hai hoặc nhiều chữ cùng một khuôn vần.
ví dụ
:* Nhành hoa xoan la đà
Thơm đã vương đầu ngõ

8. Đại Vận:
大 Đại (thái): Là lớn (trong thơ được hiểu là kế cận)
韵 Vận: là vần
Đại vận là 9 chữ đứng trước vận không được trùng với khuôn âm với vận (bao gồm cả vận chính và vận thông).
Ví dụ:* Miếng trầu têm mời bạn
Đọi nước đón khách chơi

B. Tứ Thanh Bát bệnh của thơ Thất ngôn, Ngũ ngôn Đường Luật (khởi đầu từ các Thi nhân thời Sơ Đường và tiếp tục bồi đắp cho đến sau này) cụ thể như sau:

1. Bình Đầu:
坪 Bình: là Ngang bằng
头 Đầu: là Ban đầu. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là Đầu câu.Bình Đầu là Bệnh về đầu câu (tính theo lối dọc) bị ngang bằng.
Bệnh xuất hiện khi có 2 chữ đầu (tiền nhịp của tiền cung) ở 4 câu liền kề nhau, cùng một loại tự (tính từ, danh từ, …). Ngoại lệ trường hợp cố ý với mục đích rõ rệt.
Ví Dụ:
* Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
(trích Đón Tết - Trần Tế Xương) .

2. Thượng Vỹ:
尚 Thượng: Vượt quá
尾 Vỹ: là cái Đuôi,
Thượng Vỹ là bệnh về đuôi câu (tính theo lối dọc) bị chỏng (cộm) lên.
Ngược lại với Bình đầu, Thượng vỹ thì Bệnh xuất hiện khi có 3 chữ cuối của 4 câu liền kề đã có cùng một loại tự (phần hậu cung).
Ngoại lệ trường hợp cố ý với mục đích rõ rệt.
Ví dụ:
* Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay
(trích Than Nghèo - Nguyễn Công Trứ).

3. Phong Yêu:
蜂 : Phong: là con Ong
腰 : Yêu: là cái Eo, chổ thắt lại.
Do hai đầu phình ra, ở giữa thắt lại như eo con ong nên gọi là Phong Yêu.
Phong yêu là bệnh về dấu thanh liên quan giữa Tiền Niêm và Vần (tính theo hàng ngang)
Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 2 trùng thanh độ (trùng dấu) với chữ thứ 7 (tiền niêm và vần).
Ví dụ:
* Cầm lái mặc ai lăm đổ bến
Giong lèo thay kẻ ráp xui ghềnh
(trích Chiếc Bách - Hồ Xuân Hương).

4. Hạc Tất: 鶴 : Hạc : là chim hạc.膝 : Tất: là đầu gối (chổ gù lên).Do hai đầu nhỏ, mà ở giữa phình ra như đầu gối chân chim Hạc nên gọi là Hạc Tất. Hạc Tất là bệnh về dấu thanh liên quan giữa Trung Niêm và Vần. (tính theo hàng ngang).Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 4 trùng thanh độ với chữ thứ 7 (trọng niêm và vần). Ví dụ:* Nghe lời phi pháp làm tai điếcNghĩ nỗi nhân tình ruột lại đầy(trích Khuyết Danh).

5. Chánh Nữu:
正 : Chánh (chính) Trong thuật ngữ thơ Chánh được hiểu là ngay ở nơi này (trong câu).
狃 Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp
Chánh Nữu là bệnh về sự trùng lắp về phụ hay nguyên âm ngay trong 1 câu (tính theo hàng ngang).
Bệnh xuất hiện khi có nhiều hơn 2 chữ có cùng phụ âm đầu (hoặc bắt đầu bằng nguyên âm, không có phụ âm đầu) trong một câu; đặc biệt miễn trừ cho từ láy (chỉ tính thành 1 từ).
Ví dụ:
* Làn ao lóng lánh bóng trăng loe
(trích Thu Ẩm - Nguyễn Khuyến).

6. Bàng Nữu:
旁 Bàng: Bên cạnh, liền kề. Trong thuật ngữ thơ được hiểu là câu liền kề.
狃 Nữu: Nhờn quen. Trong thuật ngữ thơ được hiểu: Sự trùng lắp
Bàng Nữu là bệnh về sự trùng lắp về phụ hay nguyên âm trong cặp câu (tính theo hàng ngang).
Bệnh xuất hiện khi có nhiều hơn 3 chữ cùng phụ âm đầu hoặc bắt đầu bằng nguyên âm nằm trong hai câu liền kề (cặp câu); đặc biệt miễn trừ cho từ láy (chỉ tính thành 1 từ).
Ví dụ:
* Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đường tưởng tết tôi nghèo
(trích Đón Tết – Trần Tế Xương).

7. Tiểu Vận:
小 Tiểu: là Nhỏ (trong thơ được hiểu là nhẹ).
韵 Vận: là vần
Tiểu vận là bệnh nhẹ về vần trong câu (được tính theo hàng ngang).
Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 2 bị trùng khuôn vần với chữ thứ 6 hay chữ thứ 7. (tiền niêm, hậu niêm và vần)
Ví dụ:
* Bốn phương trông ngóng cũng nương nhờ
(trích Phan Huy Ích)

* Mai này tớ hỏng tớ đi ngay
(trích Thi Hỏng – Trần Tế Xương).

8. Đại Vận:
大 Đại (thái): Là lớn (trong thơ được hiểu nặng)
韵 Vận: là vần
Đại Vận là bệnh nặng về vần trong câu (tính theo hành ngang).
Bệnh xuất hiện khi có chữ thứ 4 bị trùng khuôn vần với chữ thứ 7. (trọng niêm và vần)
Ví dụ:
* Nước non nào phải của ai đâu
Nhiều ít công hầu cũng mặc dầu
(trích Nước Non – Nguyễn Bỉnh Khiêm)

* Xiếu mai chi dám tình trăng gió
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh
(Trich Tranh Tố Nữ - Hồ Xuân Hương).

. Xin hãy lưu ý: Trường hợp Khuôn Vận (vần gieo) của bài thơ là Chính Vận thì Không có Quyền mà cũng Chẳng được Phép để: bắt lỗi 2 bệnh Tiểu Vận và Đại Vận (thuộc đệ tam hoành thanh) bằng Thứ Vận (thông vận) cho dù là ở biến thể Cô Nhạn Xuất - Nhập Quần hay Thứ luật được.

C. Các Mức Độ của Bệnh trong thơ Đường Luật:
Một khi đã xác định được các loại Bệnh trong thơ Đường luật rồi thì người ta sẽ dễ dàng phân loại nó ra theo 3 dạng cụ thể như sau:

1. Bệnh Nặng (Đại Bệnh) là những bệnh phạm phải các yếu tố Trọng yếu, làm mất hẳn đi tính Đặc trưng Nghệ thuật và Giai điệu của thơ Đường luật, cụ thể là Tiểu Vận và Đại Vận.Phạm phải đại bệnh thì bài thơ đó không còn được thừa nhận là bài thơ Đường luật nữa mà chỉ là thơ Bảy chữ Tự do (thơ mới).

2. Bệnh Vừa (Trung Bệnh) là những bệnh khi phạm phải các yếu tố Cơ bản Đặc thù, đã làm mất đi tính Đặc trưng Nghệ thuật và Nhạc điệu của thơ Đường luật, cụ thể là: Bình đầu, Thượng Vỹ, Chánh Nữu và Bàng Nữu.Phạm phải trung bệnh thì giá trị của bài thơ bị giảm đi rất nhiều; theo tuyệt đại đa số các người chơi thơ thì bài thơ Đường luật này buộc phải bị đánh rớt hạng xuống thơ Bảy chữ Tự do.

3. Bệnh Nhẹ (Tiểu Bệnh) là những bệnh khi phạm phải vẫn chưa làm ảnh hưởng gì nhiều đến Đặc trưng Nghệ thuật và Tiết tấu của bài thơ Đường luật, cụ thể là: Phong Yêu và Hạc Tất.Phạm phải tiểu bệnh thì có thể cho qua, vẫn còn được thừa nhận là một bài thơ Đường luật, nhưng phần nào của giá trị của bài thơ Đường luật đã bị giảm sút mất rồi.

Hết phần 1/2.

Huế,ngày 29 tháng 12 năm 2015.Sưu tầm và chỉnh biên:
Miên Hanh (Đỗ Hữu Nghĩa).

* Tài liệu tham khảo:
1. Thi Pháp Thơ Đường của Quách Tấn.
2. Văn học Việt Nam của Dương Quảng Hàm.
3. Thơ Đường Luật của Hoàng Thứ Lang.
4. Thơ Đường của Trần Trọng San.
5. Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu.
6. Bách Khoa Toàn Thư WIKIPEDIA.
7. Các nguồn tài liệu từ Internet.

* Mặc dù đã hết sức cố gắng để biên tập lại, nhưng biển học vốn là mênh mông vô bờ, nên chi vẫn còn rất nhiều thiếu sót, kính mong Quý vị vui lòng lượng thứ cho.

Link FaceBook: https://www.facebook.com/mien.hanh/posts/1888094854743818
.

2 nhận xét: